Đôi nét về lịch sử Đình Làng Nam Cường Tại phường Nam Cường , Thành phố Yên Bái, Tỉnh Yên Bái

Xã Nam Cường được thành lập ngày 20/1/1916 (Tức ngày 16/12 năm Ất Mão) dưới triều vua Khải Định. Trải qua hơn 100 năm dựng làng lập xã, xây dựng, đấu tranh và trưởng thành trải qua nhiều lần đổi tên, sáp nhập chia tách từ một xã nông nghiệp nông thôn, ngày nay  trở thành một phường đô thị của thành phố Yên Bái.

Mùa thu năm 1916, Đình làng Nam Cường được khởi sự, ban đầu được làm bằng gỗ, lợp cỏ tranh, sau được lập bằng cọ, Đình làng có ba gian hai trái, có sàn gỗ cách mặt đất 1m, một gian trong được làm hậu cung đặt bài vị thờ của Thủ chiêu Phạm Khắc Vinh (Người được nhân dân tôn vinh lập thờ vì có công đệ đơn xin thành lập xã Nam Cường) phía ngoài có 4 gian thông. Đình làng được trùng tu năm 1943 vào thời vua Bảo Đại, song vẫn giữ nguyên 3 gian 3 trái, việc trùng tu được làm bằng gỗ mít, lợp cọ, có 6 hàng chân, tổng diện tích là 180 m²

Chạy dọc 2 bên có bục sạp bằng gỗ để làm nơi hội họp của các vị cước sắc, và các bậc cao niên trong làng. Cứ sau mỗi buổi cầu, buổi tế của làng, các cụ lại bàn bạc xây dựng bổ sung Hương ước, Quy ước của làng. Đình làng Nam Cường là nơi tổ chức nhiều cuộc hội, họp của cán bộ Việt Minh, tổ chức phát động nhân dân tiến hành cuộc khởi nghĩa tháng tám năm 1945 giành chính quyền, và là nơi hòa hiếu giao ban giữa làng Yên Bái với làng Cường Thịnh (Vào ngày 15/7 và ngày 15/8 hàng năm)

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp Đình làng còn là nơi huấn luyện dân quân, là kho lưu trữ lương thực, điểm dừng trú quân của một số đơn vị chủ lực tham gia chiến dịch Điện Biên phủ. Đình làng Nam Cường còn là nơi làm lớp học cho học sinh trung học của tỉnh Yên Bái Niên học 1952-1953.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bước vào giai đoạn quyết liệt (1965-1968) Đình làng Nam Cường đã trở thành kho chính của Hợp tác xã nông nghiệp, mỗi hạt thóc, cân ngô, củ sắn được tập kết tại Đình làng để chuyển ra chiến trường

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và thiên tai, Đình làng đã bị hư hỏng, Tháng 9/2003 cán bộ và nhân dân xã Nam Cường (Nay là phường Nam Cường) đã tâm huyết đề xuất huy động các nguồn lực đóng góp của nhân dân để tôn tạo đình làng ngay tại diện tích cũ là: sân Bến Đình xưa. Để Đình làng được triển khai tôn tạo Đảng ủy – Chính quyền – Mặt trận Tổ quốc xã Nam Cường đã lãnh đạo huy động lực lượng, tổ chức thi công sau 10 tháng tích cực trách, nhiệm và đầy tâm huyết, công trình được thi công theo thiết kế của kiến trúc sư Phạm Văn Quang thuộc công ty trách nhiệm hữu hạn tư vấn kiến thiết xây dựng, hội Kiến trúc sư tỉnh Yên Bái và sự ủng hộ nhiệt tình của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam Thái và Công ty trách nhiệm hữu hạn Thành Đại.

Sau 10 tháng thi công Đình làng Nam Cường được trùng tu hiện đại song vẫn giữ được nét văn hóa và cốt cách của vùng quê Nam Định. Phần mái đình được lập bằng ngói mũi đất nung màu đỏ, bốn góc mái cong đậm nét truyền thống của dân tộc Việt Nam, các phần trang trí họa tiết như cửa Đình “Hạ bản, thượng song, chân quay, then cài” phần trên các ô thoáng của các gian cạnh được thể hiện triết lý của đạo Phật

Đặc biệt trên Long cốt câu đầu và hai bức Thuận trước và sau của Đình mặt trong còn lưu giữ được lời nhắc nhở của các bậc uyên thâm cho đời sau “Địa linh niên vạn Phúc – Nhân Hòa sốt Đại An”.  Cổng Đình được ghi câu đối bằng chữ quốc ngữ, câu đối bên trái “Tiền nhân khổ tứ khai lập xã, lưu danh công đức cốt tự tâm”; câu đối bên phải “Hậu Thế tu tâm xây nghiệp vững, nhân hòa cốt tự vạn ý dân”

Và để nối tiếp những lịch sử đó hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, tiết trời ấm áp, cây cối đâm trồi nảy lộc  – đơm hoa, lòng người phấn chấn hướng về cội nguồn, tri ân đất trời; báo hiếu tổ tông đã cho chúng ta cuộc sống trường thọ, bình an; bách gia trăm họ thái bình, an khang, thịnh vượng. Tại Đền Mẫu phường Nam Cường đều tổ chức Lễ hội Thượng nguyên rằm tháng Giêng, đây là nghi lễ truyền thống, thiêng liêng, đậm đà bản sắc dân tộc đã được lưu truyền qua nhiều năm qua. Lễ hội Đền Mẫu rằm tháng Giêng, được tổ chức với 2 nội dung chính là phần Lễ và phần Hội.

Phần lễ: Nghi Lễ dâng Mẫu với những sản vật từ bàn tay lao động và bằng tấm lòng thành kính, chu đáo, công phu bài trí, thể hiện sự linh thiêng, đầy tính nhân văn và gần gũi với đời sống hàng ngày của nhân dân. Lễ tiến Phật thể hiện sự vĩnh hằng, luân hồi của thiên nhiên, tạo hóa: Hương, hoa, trà, quả, thực, chay – thể hiện sự thanh tịnh, siêu thiêng đối với đức phật.

Các mâm lễ được chuẩn bị chu đáo và lựa chọn những người tiêu biểu là các nam thanh, nữ tú đội lễ, đoàn rước của các tổ dân phố có đầy đủ các vị lãnh đạo cùng nam phụ, lão, ấu với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trân trọng giữ gìn và kế thừa nét đẹp văn hóa của người dân trên quê hương Nam Cường.

Một trong những nội dung có ý nghĩa nhân văn và quan trọng của Lễ hội Đền Mẫu rằm Tháng Giêng của phường Nam Cường là nghi lễ Thả chim cầu an…

 Lễ thả chim cầu an đã trở thành nét đẹp truyền thống văn hoá đầy ý nghĩa nhân văn, thể hiện ước nguyện giữa con ngừời với thế giới tự nhiên. Mỗi năm, các cụ cao niên trong phường sẽ tiến hành lựa chọn 1 gia đình tiêu biểu đại diện nhân dân vinh dự làm lễ thả chim.

Trong giây phút linh thiêng của nghi lễ Thả chim cầu an, gia đình tiêu biểu cùng ông chủ lễ tiến hành gắn thiệp hồng cầu phúc vào đôi chim bồ câu trắng cùng 12 con bồ câu mạnh khỏe, tượng trưng cho 12 con giáp do các cháu thiếu niên nhi đồng thực hiện là thể hiện sự đoàn kết, thống nhất vững bền, chung tay, chung sức, đóng góp trí tuệ của toàn thể muôn dân, trăm họ trong những năm qua đã xây dựng phường Nam Cường phát triển. Nghi lễ với ý nghĩa mang lời thỉnh cầu và ước nguyện của muôn dân trăm họ tới thượng giới. Những đôi chim sẽ bay cao, bay xa, bay về miền xuôi quê cha đất tổ để báo công và những tin vui về những thành tựu đạt được của phường Nam Cường trong công cuộc đổi mới.

Trong lễ hội Đền Mẫu rằm tháng giêng, phần lễ chúc thọ, mừng thọ cho các cụ cao niên trong phường tuổi từ 80 trở lên là thể hiện đạo lý kính lão – trọng thọ, là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam đã được các thế hệ gìn giữ và phát huy gắn liền với công cuộc xây dựng và trưởng thành của phường Nam Cường. Chúc các cụ “Phúc như Đông hải – Thọ tựa Thái sơn”.

Một nội dung có ý nghĩa đã trở thành truyền thống, đó là tổ chức lễ vinh danh những cháu học sinh có thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp và rèn luyện đạo đức, với mong muốn con cháu mình sẽ phấn đấu trở thành những người “Hiếu học hiền tài – Rạng rỡ quê hương”.

Phần Hội được tổ chức vui tươi lành mạnh với các hoạt động như lễ hội đua thuyền truyền thống nam, nữ với các đội ở các tổ dân phố đã tạo được không khí thi đua, sôi nổi trong ngày hội.

Tổ chức các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt vịt, ném còn, cầu ngô, đu văng…, tổ chức các thi đấu các môn thể thao như bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, cờ vua… cũng được tổ chức có hiệu quả tốt, thu hút nhiều vận động viên quần chúng tham gia.

Vào buổi tối của ngày hội, đã tổ chức đêm văn nghệ quần chúng với tất cả các lứa tuổi ở các tổ dân phố tham gia; đồng thời,  tổ chức hội thả đèn hoa đăng trên hồ do Đoàn thanh niên chủ trì. 

Lễ hội Đền Mẫu rằm tháng Giêng phường Cường hàng năm đã trở thành ngày lễ hội truyền thống của địa phương nói riêng, là Lễ hội tiêu biểu trên địa bàn thành phố Yên Bái nói chung, là dịp để con cháu quy tụ về đây để kinh dâng lên Mẫu nén hương thơm lễ vật để cầu mong cho dân làng muôn xóm mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, bình an, bản thân phúc lộc, phát tài, cầu mong Đức Thánh Trần che trở cho dân mạnh khoẻ mở mang trí tuệ, học rộng tài cao, muôn đời phúc đức, thờ mẹ kính cha, yêu trẻ kinh già, kỷ cương xã tắc, đó là điều tâm phúc linh thiêng của mỗi người Nam Cường từ xưa tới nay với đạo lý uống nước nhớ nguồn và nguồn không bao giờ cạn./.

Đình làng Nam Cường giờ đây được nổi bật sống động giữa vùng non nước mây trời, đầy uy nghi, mang sức sống trường an và mang đậm nét truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đình làng Nam Cường sẽ trường tồn cùng với thời gian và con người vùng đất anh hùng./.

Nguồn từ Ban quản lý di tích phường Nam Cường

 

 

 

 


Bài viết mới nhất:
Powered by VNPT