Đền Mẫu xã Nam Cường được gắn liền với sự ra đời và phát triển của xã gần một thế kỷ qua. từ năm 1890 các cụ tiền bối từ vùng quê Xuân Trường, Xuân Thủy, Nam Định do đói nghèo đã lên khai khẩn đất đai. Tại mảnh đất này trước kia thuộc xã Cường Nỗ (Nay là xã Cường Thịnh huyện Trấn Yên, Tỉnh Yên Bái). Qua nhiều năm chiêu dân, lập ấp và mong muốn trở thành một xã thịnh vượng điều đó nay đã trở thành sự thực.
Ngày 16/8/2005, UBND tỉnh Yên Bái ban hành quyết định số 275/QĐ- CTUBND công nhận Di tích Đình, Đền, Chùa Nam Cường là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Tục truyền rằng: Lúc đó vùng đất này còn là một vùng đất đầy lau sậy và thú dữ, nhân dân luôn bị dịch, bệnh đe dọa, người chết còn nhiều hơn là số người mới đến khai khẩn đất đai. Trước tình hình đó các cụ tiền bối chỉ biết cầu mong trời đất phù hộ để cho dân làng mạnh khỏe, do vậy các cụ đã lập đàn tế lễ trời, đất cầu cho dân làng bình an, sau 09 ngày lập đàn cầu cúng, tế lễ, đúng ngày rằm tháng giêng năm 1914 (năm Giáp Dần) trời đất đang mưa xuân bỗng nhiên trời hồng nắng, gió nhè nhẹ. Kể từ đó người dân an tâm hơn, dần thích nghi với cuộc sống vùng núi rừng, nhân dân hăng hái khai khẩn, sản xuất, người biết chữ dạy người không biết chữ, dạy nhau các bài thuốc, cây thuốc chữa bệnh, bệnh tật giảm dần, dân làng liên kết dựng làng thành khu để chống thú dữ, đời sống Nhân dân dần ấm no.
Y lời tuyên chiếu trong buổi tế lễ, các cụ tiền bối đã từng bước thực hiện và xây dựng miếu thờ, chỉ 2 năm sau (Tức năm Bính Thìn 1916) xã Nam Cường được thành lập. Năm 1923 các cụ tiền bối đã dựng ngôi Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh đúng tại nơi làm lễ cúng tễ trước đây. Do việc thờ tự chu đáo, Nhân dân làm ăn ngày càng phát đạt, mạnh khỏe. Đến năm 1933 (tức năm Quý Dậu) các cụ đã thống nhất xây đền và về đền Kiếp Bạc rước chân nhang Trần Triều Hiển Thánh Hưng Đạo Đại Vương về thờ tại đền Mẫu. Năm 1934 đền được vua Bảo Đại cấp sắc phong, lấy hiệu tự: Thánh Mẫu Linh Từ.
Trong đạo Mẫu, bà được suy tôn là Thánh Mẫu tối cao, Mẫu Liễu Hạnh được coi là hóa thân của Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên, được thờ ở chính giữa trong Tam tòa Thánh Mẫu. Trong tín ngưỡng dân gian nói chung, bà chúa Liễu Hạnh được suy tôn là một trong Tứ bất tử, sinh ra trong thời xã hội rối ren như là một chốn nương tựa của người dân cơ cực, ít nhất là về mặt tâm lý và tâm linh. Bà chính là hiện thân của sức mạnh nữ quyền, đi ngược lại với giáo lý Nho Khổng với đạo Tam tòng Tứ đức. Cuộc đời trần thế của bà chính là sự thể hiện ý nghĩa nhất tình yêu cuộc sống với đầy đủ sướng vui đau khổ, sự tự do trong hành động với tư duy phóng khoáng, độc lập. Điều đó giải thích cho sức sống bền bỉ và trường tồn của hình tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong tâm thức của người dân Việt Nam.
Đền Mẫu phường Nam Cường được tọa lạc trên khu đất linh thiêng, có địa thế long chầu, hổ phục, sơn bao, thủy bọc đã trở thành nơi tâm linh, quy tụ trong muôn dân trăm họ trong xã hướng về cội nguồn chung và tấm lòng tôn kính thiêng liêng đối với người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và các bậc tiền nhân lập xã để đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau và cũng sẵn sàng xả thân giữ gìn non sông xã tắc. Khi bị kẻ thù xâm lược và Đền Mẫu cũng là nơi giao bang kết nghĩa, hiểu biết lẫn nhau giữa xã trong ngoài làng Đền Mẫu đã góp phần quan trọng viết lên trang sử và truyền thống vẻ vang, hào hùng của nhân dân Nam Cường.
Trải qua năm tháng gian nan, kháng chiến của dân tộc, Đền Mẫu phường Nam Cường cũng chịu chung sự đau thương khốc liệt, hương lạnh khói tàn, Mẫu và các tướng lĩnh gia bảo của người thất lạc tứ phương không thể trở về nguyên bản như xưa. Song với lòng thành tâm linh của toàn dân, nhất là các cụ ông cao niên trong xã cùng Đảng bộ – Chính quyền – Mặt trận Tổ quốc đã tôn tạo bước đầu cơ sở vật chất của Đền, các lễ nghi, tuần tiết lễ bái của Đền cũng đã được quy định thành một bản lề riêng biệt đậm đà màu sắc và tính đặc trưng của người miền xuôi lên lập nghiệp, và những nghi lễ đó còn được truyền tiếp đến ngày nay.
Trong đó lễ hội Thượng Nguyên rằm tháng giêng muôn dân trăm họ dù có ở xa đến đâu thì đều nhớ:
“Hội Đền Thánh Mẫu tháng Giêng
Ai người cùng xứ về chung cội nguồn”
Con cháu quy tụ về đây để tiến dâng lên Mẫu nén hương, lễ vật tự mình sắm sửa để cầu mong cho mưa thuận gió hòa, ruộng đồng tốt , phúc lộc, phát tài. Cầu mong Đức Thánh Trần che chở cho dân, rút gươm trừ bạo, mở mang trí tuệ, học rộng tài cao, muôn đời phúc đức. Đó là điều tâm phúc của người Nam Cường từ xưa tới nay. Ngày nay những truyền thống đó đã được duy trì. Cẩn lễ Mẫu, sau mở hội vui xuân, hình thức phong phú đặc sắc và đậm đà thôn quê. Bơi thuyền sông nước, sư tử núi rừng, kéo co, múa sạp thể hiện con người khỏe mạnh đất đai phì nhiêu; Hát giao duyên thể hiện tâm hồn sức sống trường sinh của đất.
“Đền Mẫu Nam Cường công trình được xếp hạng là Di tích văn hóa”
Và để nối tiếp những lịch sử đó hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, tiết trời ấm áp, cây cối đâm trồi nảy lộc – đơm hoa, lòng người phấn chấn hướng về cội nguồn, tri ân đất trời; báo hiếu tổ tông đã cho chúng ta cuộc sống trường thọ, bình an; bách gia trăm họ thái bình, an khang, thịnh vượng. Tại Đền Mẫu phường Nam Cường đều tổ chức Lễ hội Thượng nguyên rằm tháng Giêng, đây là nghi lễ truyền thống, thiêng liêng, đậm đà bản sắc dân tộc đã được lưu truyền qua nhiều năm qua. Lễ hội Đền Mẫu rằm tháng Giêng, được tổ chức với 2 nội dung chính là phần Lễ và phần Hội.
Phần lễ: Nghi Lễ dâng Mẫu với những sản vật từ bàn tay lao động và bằng tấm lòng thành kính, chu đáo, công phu bài trí, thể hiện sự linh thiêng, đầy tính nhân văn và gần gũi với đời sống hàng ngày của nhân dân. Lễ tiến Phật thể hiện sự vĩnh hằng, luân hồi của thiên nhiên, tạo hóa: Hương, hoa, trà, quả, thực, chay – thể hiện sự thanh tịnh, siêu thiêng đối với đức phật.
Các mâm lễ được chuẩn bị chu đáo và lựa chọn những người tiêu biểu là các nam thanh, nữ tú đội lễ, đoàn rước của các tổ dân phố có đầy đủ các vị lãnh đạo cùng nam phụ, lão, ấu với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trân trọng giữ gìn và kế thừa nét đẹp văn hóa của người dân trên quê hương Nam Cường.
Một trong những nội dung có ý nghĩa nhân văn và quan trọng của Lễ hội Đền Mẫu rằm Tháng Giêng của phường Nam Cường là nghi lễ Thả chim cầu an…
Lễ thả chim cầu an đã trở thành nét đẹp truyền thống văn hoá đầy ý nghĩa nhân văn, thể hiện ước nguyện giữa con ngừời với thế giới tự nhiên. Mỗi năm, các cụ cao niên trong phường sẽ tiến hành lựa chọn 1 gia đình tiêu biểu đại diện nhân dân vinh dự làm lễ thả chim.
Trong giây phút linh thiêng của nghi lễ Thả chim cầu an, gia đình tiêu biểu cùng ông chủ lễ tiến hành gắn thiệp hồng cầu phúc vào đôi chim bồ câu trắng cùng 12 con bồ câu mạnh khỏe, tượng trưng cho 12 con giáp do các cháu thiếu niên nhi đồng thực hiện là thể hiện sự đoàn kết, thống nhất vững bền, chung tay, chung sức, đóng góp trí tuệ của toàn thể muôn dân, trăm họ trong những năm qua đã xây dựng phường Nam Cường phát triển. Nghi lễ với ý nghĩa mang lời thỉnh cầu và ước nguyện của muôn dân trăm họ tới thượng giới. Những đôi chim sẽ bay cao, bay xa, bay về miền xuôi quê cha đất tổ để báo công và những tin vui về những thành tựu đạt được của phường Nam Cường trong công cuộc đổi mới.
Trong lễ hội Đền Mẫu rằm tháng giêng, phần lễ chúc thọ, mừng thọ cho các cụ cao niên trong phường tuổi từ 80 trở lên là thể hiện đạo lý kính lão – trọng thọ, là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam đã được các thế hệ gìn giữ và phát huy gắn liền với công cuộc xây dựng và trưởng thành của phường Nam Cường. Chúc các cụ “phúc như đông hải – thọ tựa thái sơn”.
Một nội dung có ý nghĩa đã trở thành truyền thống, đó là tổ chức lễ vinh danh những cháu học sinh có thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp và rèn luyện đạo đức, với mong muốn con cháu mình sẽ phấn đấu trở thành những người “hiếu học hiền tài – rạng rỡ quê hương”.
Phần Hội được tổ chức vui tươi lành mạnh với các hoạt động như lễ hội đua thuyền truyền thống nam, nữ với các đội ở các tổ dân phố đã tạo được không khí thi đua, sôi nổi trong ngày hội.
Tổ chức các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt vịt, ném còn, cầu ngô, đu văng…, tổ chức các thi đấu các môn thể thao như bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, cờ vua… cũng được tổ chức có hiệu quả tốt, thu hút nhiều vận động viên quần chúng tham gia.
Vào buổi tối của ngày hội, đã tổ chức đêm văn nghệ quần chúng với tất cả các lứa tuổi ở các tổ dân phố tham gia; đồng thời, tổ chức hội thả đèn hoa đăng trên hồ do Đoàn thanh niên chủ trì.
Lễ hội Đền Mẫu rằm tháng Giêng phường Cường hàng năm đã trở thành ngày lễ hội truyền thống của địa phương nói riêng, là Lễ hội tiêu biểu trên địa bàn thành phố Yên Bái nói chung, là dịp để con cháu quy tụ về đây để kinh dâng lên Mẫu nén hương thơm lễ vật để cầu mong cho dân làng muôn xóm mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, bình an, bản thân phúc lộc, phát tài, cầu mong Đức Thánh Trần che trở cho dân mạnh khoẻ mở mang trí tuệ, học rộng tài cao, muôn đời phúc đức, thờ mẹ kính cha, yêu trẻ kinh già, kỷ cương xã tắc, đó là điều tâm phúc linh thiêng của mỗi người Nam Cường từ xưa tới nay với đạo lý uống nước nhớ nguồn và nguồn không bao giờ cạn./.
Nguồn thông tin từ Ban Quản lý di tích phường Nam Cường